THÁNG 2/2025
CHỦ ĐIỂM: MỪNG ĐẢNG - MỪNG XUÂN (ĐÓN TẾT CỔ TRUYỀN)
Cuốn sách: “Bánh chưng, bánh dày”
Tác giả: Lời: Thy Ngọc, tranh: Tạ Thúc Bình
Các em thân mến!
Nhắc đến Tết, hình ảnh mùa xuân với đêm giao thừa thiêng liêng, pháo hoa rực rỡ, và không khí đoàn tụ dưới mái ấm gia đình luôn hiện lên trong tâm trí mỗi người. Đây là dịp để mọi người trở về bên nhau, sẻ chia yêu thương, và cùng cầu chúc những điều tốt đẹp nhất cho năm mới.
Tết cổ truyền Việt Nam, hay còn gọi là Tết Nguyên Đán, là lễ hội truyền thống lớn nhất và lâu đời nhất của dân tộc Việt Nam. Đây không chỉ là một ngày lễ trọng đại mà còn mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, đánh dấu sự khởi đầu của một năm mới với những điều tốt lành, an khang và may mắn.
Tết Nguyên Đán là dịp để mỗi người nhìn lại một năm đã qua, cùng nhau chào đón năm mới với nhiều hy vọng và ước mơ. Đây cũng là thời gian quý báu để các thành viên trong gia đình sum họp, quây quần bên nhau, thắt chặt tình thân và gắn kết yêu thương.
Để chuẩn bị cho Tết, các gia đình Việt Nam thường tất bật trang trí nhà cửa, trồng hoa, làm bánh mứt, và nấu những món ăn đặc trưng mang hương vị Tết. Đặc biệt, niềm vui ngày xuân càng thêm trọn vẹn với phong bao lì xì đỏ rực và những lời chúc tốt lành.
Nhằm giúp bạn đọc hiểu thêm về nguồn gốc và ý nghĩa của ngày Tết, thư viện trường TH Tử Lạc xin giới thiệu cuốn: “Bánh Chưng Bánh Giày”, lời: Thy Ngọc, tranh: Tạ Thúc Bình Nhà xuất bản Kim Đồng. Cuốn sách được xuất bản năm 2017 với 2.000 bản, trình bày với kích thước 19 x 27 cm, dày 23 trang, in màu sắc nét với nhiều tranh vẽ đậm chất dân gian. Cuốn sách không chỉ mang đến những câu chuyện thú vị mà còn giúp các em cảm nhận sâu sắc hơn về nét đẹp văn hóa và truyền thống dân tộc Việt Nam.
Đất nước ta có truyền thống văn hóa phong phú, với những tập quán tốt đẹp và văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc. “Bánh chưng bánh dày” là một trong những truyền thuyết gắn liền với truyền thống của dân tộc và lịch sử dựng nước và giữ nước, nói về tục lệ gói bánh chưng bánh giày vào những ngày Tết. Đây là một trong những truyền thuyết thể hiện rất rõ văn hóa của đất nước ta. Tuy nhiên, có lẽ nhiều độc giả chưa biết rõ ý nghĩa của hai món bánh này và ai là người đầu tiên sáng tạo ra chúng. Để hiểu rõ hơn, chúng ta hãy cùng khám phá câu chuyện "Bánh chưng, bánh giày". Theo truyền thuyết, vào thời vua Hùng Vương thứ 6, sau khi dẹp giặc, vua quyết định truyền ngôi cho con. Nhân dịp đầu xuân, vua tổ chức một cuộc thi tìm kiếm món ăn ngon lành nhất để bày mâm cỗ. Các hoàng tử đều đua nhau tìm kiếm những món ăn quý giá, còn hoàng tử Tiết Liêu, con trai thứ 18, lại không biết phải làm gì. Một đêm, Tiết Liêu mơ thấy vị Thần mách bảo rằng gạo là món ăn quý nhất. Ông được hướng dẫn làm hai loại bánh: bánh chưng hình vuông tượng trưng cho đất và bánh dày hình tròn tượng trưng cho trời. Với nguyên liệu đơn giản nhưng mang ý nghĩa lớn lao, Tiết Liêu đã làm nên hai món bánh truyền thống này.
Sự tích bánh chưng bánh dày không chỉ đơn thuần là câu chuyện về một món ăn, mà còn phản ánh quan niệm về vũ trụ của người Việt: "trời tròn đất vuông". Bánh chưng hình vuông tượng trưng cho đất, trong khi bánh dày hình tròn tượng trưng cho trời. Kết hợp hai hình dáng này thể hiện sự hòa quyện giữa thiên nhiên và con người.
Vào dịp Tết, người dân Việt Nam thường dùng bánh chưng, bánh giày để cúng tổ tiên, thể hiện lòng biết ơn của con cháu đối với tổ tiên. Trong mỗi dịp Tết, người Việt thường làm bánh để dâng cúng tổ tiên, thể hiện lòng kính trọng và tri ân đối với những người đã hy sinh cho đất nước. Món bánh này còn mang đậm tâm tình của những người nông dân, quê hương, được làm từ hạt gạo, hạt ngọc quý giá nhất của trời đất. Câu chuyện khẳng định rằng trong trời đất, không có gì quý bằng hạt gạo. Chính vì vậy, vào dịp Giỗ Tổ Hùng Vương, người ta thường làm những chiếc bánh chưng, bánh giày khổng lồ để cúng giỗ các vua Hùng.
Mặt khác trong văn hóa tín ngưỡng của người Việt, bánh dày đại diện cho âm và bánh chưng đại diện cho dương. Sự kết hợp này không chỉ thể hiện sự hòa hợp giữa hai cực âm dương mà còn mang ý nghĩa về sự sinh sôi, nảy nở trong đời sống. Nhìn vào chiếc bánh chưng với nguyên liệu phong phú, từ thịt mỡ, đậu xanh đến gạo nếp, ta thấy sự phong phú và no đủ. Bánh dày, với hình tròn đầy đặn, thể hiện sự trọn vẹn và hạnh phúc trong cuộc sống.
Để tìm hiểu thêm về nguồn gốc, cách thức làm bánh cũng như về các phong tục trong ngày Tết cổ truyền của dân tộc. Chúng ta hãy cùng đọc cuốn sách "Bánh chưng, bánh giày" tại tủ sách thiếu nhi của Thư viện nhà trường nhé!
Buổi tuyên truyền sách của thư viện trường TH Tử Lạc đến đây đã hết. Hẹn gặp lại thầy cô giáo và các em học sinh trong phần tuyên truyền giới thiệu sách lần sau!
Tử Lạc, ngày 5 tháng 02 năm 2025
Người tuyên truyền
Đỗ Thị Tuyền