THÁNG 3
CHỦ ĐIỂM: EM LÀ ĐỘI VIÊN
CHỦ ĐỀ: NGÀY QUỐC TẾ PHỤ NỮ 8/3
Kính thưa các thầy cô giáo và các em học sinh thân mến!
Tháng 3 – tháng tôn vinh những người phụ nữ Việt Nam . Và để kỉ niệm ngày 8 /3 - ngày Phụ nữ Việt Nam, đến với buổi tuyên truyền sách ngày hôm nay Thư viện trường TH Tử Lạc xin giới thiệu tới thầy cô giáo cùng toàn thể các em học sinh cuốn sách rất ý nghĩa mang tên “Nữ sĩ Đoàn Thị Điểm” - người có công lao rất lớn đối với nền văn học Việt Nam.
Nữ sĩ Đoàn Thị Điểm (1705 - 1748) biệt hiệu là Hồng Hà nữ sĩ, con gái ông Đoàn Doãn Nghi, người làng Giai Phạm, huyện Văn Giang, nay thuộc xã Giai Phạm, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên không chỉ tác giả của những truyện Nôm nổi tiếng như Hải khẩu linh từ, Vân Cát thần nữ, Bích Câu kì ngộ, An ấp liệt nữ... mà còn là người đã chuyển thể một cách xuất sắc truyện thơ Chinh phụ ngâm của Đặng Trần Côn từ chữ Hán sang chữ Nôm. Với tài văn chương, phẩm cách cao quý, Hồng Hà nữ sĩ luôn là một trong những tấm gương tiêu biểu cho phụ nữ Việt Nam.
Cuốn sách Nữ sĩ Đoàn Thị Điểm dày 51 trang, khổ sách 15 x 21 cm do NXB Kim Đồng ấn hành vào tháng 3 năm 2013. Sách của tác giả Quỳnh Cư và được viết theo 3 chương kể về cuộc đời , sự nghiệp Nữ sĩ lúc sinh thời.
Lúc trẻ, Đoàn Thị Điểm nổi tiếng thông minh, đẹp người, đẹp nết, chăm học, có tài văn chương và giỏi việc nữ công. Năm 16 tuổi, Bà được Thượng thư Lê Anh Tuấn nhận làm con nuôi, Ông định tiến dâng Bà vào phủ Chúa làm cung phi nhưng Bà từ chối. Ít lâu sau, Bà theo anh là Đoàn Doãn Luân về huyện An Dương (thuộc thành phố Hải Phòng ngày nay) dạy học và bốc thuốc cứu người.
Năm 1730, cha mất, Đoàn Thị Điểm cùng anh về làng Võ Ngại, huyện Đường Hào (nay thuộc huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên) làm nghề dạy học sinh sống. Về sau, người anh mất, gánh nặng dồn lên vai một người phụ nữ, một mình Bà vừa dạy học vừa bốc thuốc để có tiền nuôi mẹ và giúp đỡ chị dâu nuôi các cháu.
Đoàn Thị Điểm là một người phụ nữ có bản lĩnh, một nữ sĩ tài hoa, hội tụ đủ công, dung, ngôn, hạnh, nổi tiếng về tài văn thơ đối đáp, nhưng có thể chính vì sự quá hoàn hảo và xuất chúng đó mà đường tình duyên của nữ sĩ lại muộn màng. Năm 37 tuổi, Bà mới lấy chồng là Tiến sĩ Nguyễn Kiều đã góa vợ. Năm 1748, Bà theo chồng vào Nghệ An nhận nhiệm sở, trên đường đi Bà bị cảm nặng và mất ở Nghệ An.
Đoàn Thị Điểm nổi tiếng giỏi thơ văn ở Thăng Long từ khi còn ít tuổi, lớn lên Bà mở trường dạy học. Một số nhân vật như Dương Doãn Thi, Nguyễn Khản,… theo học với Bà lúc thiếu thời, về sau đều thi đỗ Tiến sĩ.
Đoàn Thị Điểm là một tác gia lớn của nền văn học thời trung đại, bà để lại cho đời nhiều tập truyện, ký, thơ văn, câu đối chữ Hán, chữ Nôm, nhưng nổi bật nhất là hai tác phẩm Truyền kỳ tân phả (truyện) bằng chữ Hán và bản dịch Chinh phụ ngâm – được xem là tác phẩm ưu tú nhất của nền thi văn trung đại Việt Nam. Chính những tác phẩm này đã đưa tên tuổi của Đoàn Thị Điểm lên đỉnh cao trong nền văn học nước nhà.
Đoàn Thị Điểm là ngôi sao sáng trong hàng ngũ nữ sĩ tại Việt Nam, để ghi nhớ công lao cống hiến của bà trong sự nghiệp văn chương nước nhà, một số tỉnh, thành đã lấy tên bà đặt tên cho các trường học, đường phố. Ở Hưng Yên cũng có trường học, đường phố được vinh dự mang tên Đoàn Thị Điểm.
Xin chào và hẹn gặp lại các thầy cô giáo và các em học sinh trong buổi giới thiệu sách lần sau!
Tử Lạc, ngày 05 tháng 03 năm 2025
Người tuyên truyền
Đỗ Thị Tuyền